Asia / Tiếng Việt / Uncategorized / Vietnam

Cần có nhiều nghiên cứu hơn về dịch tả lợn châu Phi: Vẫn chưa có thuốc chữa, vắc-xin và phương pháp điều trị cho lợn bị nhiễm bệnh

India, Assam, Sonapur, Karchia village

Đàn lợn tại trang trại Drestry ở châu Á (Ảnh: ILRI/Stevie Mann)

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan ảnh hưởng đến lợn nhà và lợn hoang. 100% lợn mắc bệnh bị tử vong. Vi-rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm hoặc gây hại cho con người nhưng gây thiệt hại cho nền kinh tế hộ gia đình và quốc gia. Đặc biệt ở Châu Phi và hiện nay là Trung Quốc và Việt Nam, căn bệnh này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, an ninh lương thực quốc gia cũng như thu nhập của những người chăn nuôi lợn, người buôn bán lợn và toàn bộ chuỗi giá trị thịt lợn.

Trung Quốc là quốc gia chăn nuôi và giết mổ lợn nhiều nhất thế giới (với khoảng 440 triệu con lợn, chiếm một nửa tổng số lợn trên thế giới). Sự lây lan liên tục của dịch bệnh tại quốc gia này đang ở mức báo động. Cho đến nay, ước tính hơn một triệu con lợn đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Dịch tả lợn đã và đang gây ra tổn hại nặng nề cho ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc.

Vi-rút này là loài đặc hữu của vùng Sahara, châu Phi. Ở đây, vi-rút tồn tại trong tự nhiên thông qua chu kỳ lây nhiễm giữa ve và lợn hoang (lợn hoang Nam Phi và lợn rừng châu Phi). Bọ ve bị nhiễm vi-rút có thể lây bệnh cho lợn nhà. Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên khi người châu Âu đưa lợn vào những khu vực có vi-rút, lợn bị nhiễm bệnh và lây lan rộng rãi, khiến căn bệnh này trở thành một ví dụ điển hình về dịch bệnh truyền nhiễm.

Năm 1921, dịch bệnh này lần đầu tiên được công bố tại Kenya và đã bị khoanh vùng ở châu Phi cho đến năm 1957, bệnh bùng phát ở Lisbon, Bồ Đào Nha và sau đó là tại bán đảo Iberia. Các vụ dịch nhỏ xuất hiện ở Pháp, Bỉ và các nước châu Âu khác trong những năm 1980. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nỗ lực tìm cách xóa bỏ dịch bệnh vào giữa những năm 1990 thông qua chính sách giết mổ lợn và chi một khoản kinh phí lớn. Tây Ban Nha đã mất 35 năm để loại bỏ bệnh vào năm 1995.

Vào đầu năm 2007, một vụ dịch bùng phát ở Georgia và sau đó lan sang Armenia, Azerbaijan, Iran, Nga và Belarus. Đến ngày 25 tháng 4 năm 2019, vi-rút đã lan rộng đến mọi khu vực của Trung Quốc cũng như một số quốc gia ở Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 25 tháng 4 năm 2019, 12 quốc gia đã báo cáo dịch tả lợn châu Phi tới Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình ở Châu Phi, Đông Á và Đông Nam Á, nông dân tiếp tục chăn nuôi lợn ở quy mô nông hộ và tiêu thụ thịt lợn. Ở các quốc gia như Uganda, chăn nuôi lợn ngày càng phổ biến vì đây là con đường thoát nghèo của người dân nơi đây. Và tại các quốc gia như Kenya, các công ty chế biến thịt lợn công nghệ cao đã xuất hiện và sản xuất một loạt các sản phẩm thịt lợn chế biến có chất lượng cao nhắm vào các phân khúc thị trường khác nhau, tập trung mạnh vào mảng xuất khẩu. Ở nhiều nước trong số này, chăn nuôi lợn quy mô nhỏ mang cơ hội kinh tế mới đến cho phụ nữ và thanh niên

Dịch tả lợn châu Phi không chỉ ảnh hưởng đến các nền kinh tế xã hội của hộ gia đình và các trang trại mà còn có tác động đến thương mại quốc tế và các sản phẩm từ lợn. Ví dụ, ở Canada – đất nước không có dịch bệnh và đây là nước xuất khẩu thịt lợn lớn thứ ba thế giới cả về giá trị và khối lượng, chiếm 20% tổng thịt lợn trên thế giới. Doanh số xuất khẩu thịt lợn của Canada đã tăng đáng kể do dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp thịt lợn của Canada tạo ra 103.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, thu về 23,8 tỷ đô Canada mỗi năm đã bao gồm cả trang trại, đầu vào, chế biến và xuất khẩu thịt lợn. Ngày 30 tháng Tư, Diễn đàn Dịch Tả Lợn Châu Phi đã được khai mạc tại đây và có đại diện của 15 quốc gia tham dự thảo luận về cách các quốc gia đối phó với căn bệnh này.

Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin hoặc liệu pháp nào chống lại dịch tả lợn châu Phi. Một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả chống lại dịch tả lợn châu Phi có thể được sử dụng như một công cụ bổ sung để củng cố sự kiểm soát và chiến lược loại bỏ bệnh. Cần có sự hợp tác hiệu quả để phát triển một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả, giúp hỗ trợ các giải pháp dài hạn ở tất cả các cấp.

Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) bắt đầu các nghiên cứu về dịch tả lợn châu Phi từ những năm 2000, tập trung vào vấn đề dịch tễ học và các tác động kinh tế xã hội của bệnh. Nhóm các nhà khoa học liên ngành làm việc với các cán bộ thú y quốc gia và cán bộ cấp Bộ ở Uganda và Kenya đã hiểu thêm về sự phổ biến và đa dạng di truyền của vi-rút, các tác động kinh tế xã hội và phương thức lây truyền của bệnh. Năm 2004, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) và ILRI đã thành lập một phòng thí nghiệm chung tại Bắc Kinh. ILRI-CAAS đã xem xét cơ sở di truyền về khả năng chịu đựng và kháng thuốc của lợn hoang và lợn nhà và đã hỗ trợ công tác giám sát chẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo thời gian, phạm vi nghiên cứu của ILRI đã mở rộng để phát triển cơ sở dữ liệu về trình tự bộ gen của vi-rút để đặt nền tảng giúp nâng cao hiểu biết về sự khác biệt giữa những biến thể của vi-rút và tiến hành phát triển vắc-xin chống lại dịch tả lợn châu Phi. Các nhà khoa học ILRI và đối tác hiện đang nghiên cứu phát triển vắc-xin cho bệnh bằng cách sử dụng hệ thống chỉnh sửa bộ gen CRISPR-cas. Với phương pháp này, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát triển các đột biến cũng như các chủng vi-rút sẽ bị suy giảm. Bằng cách phát triển bộ gen vi-rút tổng hợp và sử dụng hệ thống gen di truyền ngược, các nhà khoa học mong muốn có thể đẩy nhanh khả năng điều khiển bộ gen vi-rút.

Các nhà khoa học ILRI cũng đang tiến hành các nghiên cứu để xác định chức năng các bộ gen của vi-rút, đặc biệt là các gen làm phá vỡ khả năng miễn nhiễm của lợn. Các nhà khoa học đang tập trung vào một chủng vi-rút Kenya / Ugandan được lấy trong các vụ dịch ở Đông Phi. ILRI và đối tác cũng đang nghiên cứu phát triển vắc-xin tiểu đơn vị dựa trên các thành phần của vi-rút. Điều quan trọng hơn là ILRI đang xây dựng mô hình lây nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, gồm hệ thống tính điểm và xét nghiệm sàng lọc để theo dõi phản ứng miễn dịch của lợn đối với nhiễm trùng và sự tăng sinh của vi rút trong máu lợn. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các phương pháp mới để kiểm soát bệnh.

Bài viết trên đây là bản dịch tiếng Việt. Bản gốc tiếng Anh của bài viết được viết bởi bà Susan MacMillan, Trưởng nhóm Vận động chính sách của ILRI và được đăng trên website của ILRI.

Xem bản gốc tại đây.

 

 

Post a comment